Việt Nam cảnh giác trước vòng tay của Hoa Kỳ

May 1, 2010 at 11:16 am Leave a comment

Nguồn: The Hanoist, Asia Times
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Mười lăm năm sau việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao, hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang nhích dần từng bước một. Cả hai đều muốn chống lại việc tăng cường quân sự cũng như tham vọng thống lĩnh khu vực của Trung Quốc, bao gồm vùng biển chiến lược Nam Hải, nơi một phần tư giao thông thương mại của thế giới đi qua và nơi Việt Nam, Trung Quốc và những quốc gia khác đang tranh chấp hai quần đảo được cho là chứa nhiều khoáng sản.

Trong khi động cơ của Hoa Kỳ tương đối rõ ràng – tăng cường tiếp xúc với giới quân sự Việt Nam và thiết lập những lĩnh vực hợp tác – thì phía Hà Nội lại luôn lưỡng lự về việc có nên hay không và hợp tác chiến lược ra sao với Washington, đối thủ cũ trong chiến tranh.

Việt Nam một mặt đang thụ hưởng mối quan tâm cao cấp từ Hoa Kỳ. Vào tháng Mười năm 2008, hai quốc gia đã khởi xướng một hội nghị an ninh thường niên ở cấp thứ trưởng. Trong khi Hoa Kỳ muốn chính thức gọi đấy là “đối thoại chính trị-quân sự” thì các nhà ngoại giao Việt Nam gọi sự kiện này là “đối thoại chiến lược”.

Theo một viên chức ngoại giao tham dự hội nghị, Đại sứ Lê Công Phụng đã đưa ra công bố đầu tiên về cuộc đối thoại khi phát biểu tại một buổi gặp gỡ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Washington một tháng trước đó, làm ngạc nhiên một số quan khách Hoa Kỳ.

Nhưng Việt Nam cũng có những quan ngại khi có vẻ quá gần gũi với Hoa Kỳ trong quan hệ quân sự. Từ năm 2003, những chiến hạm Hoa Kỳ đã cập bến tại Việt Nam để tiến hành hàng loạt những trao đổi quân sự-ngoại giao. Trong khi hoan nghênh những cuộc thăm viếng nặng tính biểu tượng này, ban đầu Việt Nam đã giới hại một lần mỗi năm và bảo đảm hải quân Trung Quốc cũng được hưởng quyền cập bến tương tự.

Sự mong muốn làm vừa lòng Trung Quốc được phản ánh qua hàng loạt các chính sách, từ những quan hệ với Hoa Kỳ được tiết lộ với truyền thông nhà nước ra sao, cho đến thói quen gửi phái đoàn cấp cao sang Trung Quốc cùng dịp với những chuyến thăm viếng Hoa Kỳ.

Vào tháng Ba, một chiếc tàu hậu cần của Hải quân Hoa Kỳ lặng lẽ đậu 16 ngày tại bến cảng Vân Phong mới xây gần vùng vịnh chiến lược Cam Ranh. Bến cảng sâu nổi tiến này nguyên thuỷ được xây dựng bởi người Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam và sau khi cộng sản chiếm, nó trở thành một căn cứ trọng yếu của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Chuyến cập bến vừa qua của chiến hạm USNS Richard E Byrd đã không được công bố, nhưng mục đích của chuyến viếng thăm là để sửa chữa và tái tiếp vận dưới một thoả thuận toàn diện mới về hỗ trợ tiếp liệu.

Vào tháng Chạp năm 2009, Tướng Phùng Quang Thanh trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thứ hai sau chiến tranh đến thăm viếng Washington. Đúng như thường lệ, những phái đoàn cao cấp của Bộ Quốc phòng cũng đã đi Trung Quốc trước và sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tướng Thanh. Sự tôn kính đối với Trung Quốc cũng đã phản ánh trong sách trắng về chính sách quốc phòng mới đây của Hà Nội, trong đó việc tranh chấp lãnh thổ với người láng giềng phía bắc được xem nhẹ.

Nhìn chung, những quan hệ đang ấm cúng dần giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tạo ra những kết quả thiết thực và hứa hẹn. Việt Nam đã được mời đến tham quan những cuộc tập trận của quân đội Hoa Kỳ và những đồng minh trong khu vực gồm cả Thái Lan. Cũng có thảo luận về những chiến dịch hợp tác tìm kiếm và cứu hộ bên ngoài bờ biển Việt Nam cũng như về việc Hoa Kỳ giúp đào tạo lực lượng gìn giữ hoà bình của Việt Nam cho những nhiệm vụ quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Những sĩ quan tham mưu Việt Nam cũng được mời tham gia vào chương trình Giáo dục và Huấn luyện Quân sự Quốc tế của người Mỹ nhằm phát triển mối quan hệ giữa những lãnh đạo quân sự tương lai. Dù không có trao đổi nào đặc biệt nổi bật, mỗi hoạt động cũng tiêu biểu cho mối hợp tác sâu hơn giữa Hà Nội và Washington và tạo thuận tiện cho sự có mặt tích cực của hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển Nam Hải.

Bạn thật hay bạn hờ?

Mặc dù quan hệ với Hoa Kỳ đã tiến triển trên nhiều mặt, vẫn còn một thái độ yêu ghét lẫn lộn ăn sâu ở Hà Nội trong việc tiến xa hơn. Và không chỉ bởi vì sự nhạy cảm đối với thái độ của Trung Quốc. Nhiều người trong giới lãnh đạo Việt Nam vẫn lo sợ sự “diễn biến hoà bình”, ám chỉ quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ sẽ tạo ra những lực lượng giải phóng chính trị mà đảng cộng sản cầm quyền không thể kiểm soát.

Sự đa nghi này được biểu hiện trong nhiều mặt. Đầu tháng này, chính quyền Việt Nam đã từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho nữ dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez, một thành viên cao cấp trong Uỷ ban Quân sự của Hạ viện và là một người bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ. Theo phát biểu của bà Sanchez, Việt Nam lo sợ rằng bà sẽ đưa ra những vi phạm liên tục và lâu dài về nhân quyền của chính phủ này.

Những nghi ngờ đôi khi mang tính cá nhân. Vào mùa thu năm 2008, Hà Nội đã không cho phép tham tán quân sự Hoa Kỳ làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội vì nguồn gốc của ông. Sinh ra ở Việt Nam, Đại tá Patrick Reardon được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi khi còn chập chững. Nhà cầm quyền Việt Nam có tiếng là vẫn nghi ngờ những người Việt hải ngoại, đặc biệt là những người có ảnh hưởng chính trị.

Sự đa nghi quá độ này cũng ảnh hưởng đến việc quyết định ở cấp cao nhất. Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến Hoa Kỳ tháng Chạp năm ngoái được biết là đã bị hoãn lại hai lần. Theo một nguồn tin Việt Nam, đã có những tranh cãi trong bộ chính trị đảng về mục đích của chuyến đi.

Trong khi vị bộ trưởng quốc phòng được xem là thân phương Tây, những người khác trong giới lãnh đạo cộng sản như Thứ trưởng Quốc phòng – Tướng Nguyễn Chí Vịnh – lại nương vào Bắc Kinh như là chỗ dựa chính trị và nghi ngờ những quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Thế giới quan đầy mâu thuẫn được phản ánh qua câu nói được truyền tụng ở Việt Nam: “Thân với Trung Quốc thì mất nước, thân với Mỹ thì mất Đảng.”

Những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Không ai biết được những sĩ quan cấp tá, cấp uý của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ học được những gì khi tham dự những trường tham mưu của Hoa Kỳ? Trong khi hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang trên đà tiến triển, cũng nên lường trước vòng tuần hoàn của thái độ ấm cúng lẫn lạnh nhạt.

http://www.x-cafevn.org/node/233

Entry filed under: Báo chí Quốc tế. Tags: , , .

Ông Nguyễn Dy Niên: "Giá mà chúng ta khôn khéo hơn…" Văn hiến xếp lại, dao búa thôi (!)

DO NOT Leave a Reply - Ý kiến của bạn sẽ không được hiển thị

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Calendar

May 2010
M T W T F S S
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31  

Most Recent Posts