Lý Đợi & Liêu Thái: thơ Trần Vàng Sao

November 28, 2009 at 4:24 pm 3 comments

Lý Đợi – NXB Giấy Vụn xuất bản thơ Trần Vàng Sao
Bài thơ của một người yêu nước mình – Tác phẩm thơ Trần Vàng Sao.
Nhà xuất bản Giấy Vụn. Chủ trương: Mở Miệng.
Liên lạc: nxbgiayvun@yahoo.com.
Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhứt tại Sài Gòn, photocopy khổ 13 x 20 cm. In xong và nộp bản lưu cho tổ lưu trữ La Hán Phòng 11/2009.
Chăm sóc bản thảo: Nguyễn Văn Tụng.
Trình bày: Bùi Bố.
Bìa: Sương Thị.
© 2009, Giấy Vụn & Trần Vàng Sao

 Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính, sinh năm Tân Tỵ 1941, quê quán làng Đông Xuyên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, sinh sống từ thuở ấu thời đến nay tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1962, ông đậu tú tài ở Huế và dạy học ở Truồi. Thời gian này ông bắt đầu tham gia phong trào chống Mỹ ở Huế. Năm 1965 ông thoát ly lên rừng chiến đấu. Năm 1970 ông bị thương, được đưa ra miền Bắc chữa bệnh an dưỡng. Theo lời kể lại của nhà thơ Thái Ngọc San, người cũng thoát ly ra Bắc và đã gặp nhà thơ Trần Vàng Sao, thì đây là quãng thời gian khổ ải nhất của Đính, nhưng ông vẫn lạc quan, trung thành với lý tưởng của mình.  

 Tháng 5 năm 1975, ông trở về Huế được phân công làm liên lạc (đưa thư) rồi công tác ở ban Văn Hóa Thông Tin xã và nghỉ hưu năm 1984. Vào thời điểm này, bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” của ông được đăng trên Sông Hương, số kỷ niệm 5 năm ngày tạp chí ra đời. Bài thơ lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương, nhà thơ Thái Ngọc San, thư kí tòa soạn, người chịu trách nhiệm chọn đăng bài thơ phải rời khỏi tờ báo, và nhà thơ Trần Vàng Sao tiếp tục sống với những khó khăn của riêng mình.

 Thơ Trần Vàng Sao mang hơi thở nóng hổi của cuôc sống, gần gũi với nhân dân nhất là giới cùng đinh, thấp cổ bé miệng, sống tận đáy xã hội (những người được nhân danh cho cuộc đấu tranh giai cấp), với văn phong trong sáng giản dị mà vô cùng sâu sắc, sử dụng ngôn từ bình dân nhưng bác học, trải nghiệm những thực tế mà ông đã sống, chiến đấu, thơ ông đã vẽ nên một bức tranh sống động của một đất nước lầm than ngập chìm trong chiến tranh, nghèo đói và lạc hậu với một ước mơ muôn đời là hoà bình và no ấm.

 Người ta có thể nghĩ khác về ông, cho thơ ông là có vấn đề, nhưng ông vẫn tự tại, tự tại sống, tự tại làm thơ, và bạn bè muôn nơi vẫn đến với ông. Bởi vì ông là nhà thơ biết yêu nước mình, thật sự yêu nước mình…

 (Nguyễn Miên Thảo “Nhà thơ Trần Vàng Sao – Kẻ bất phùng thời”)

 __________________________

 Những bài thơ này trích từ tập Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao, NXB Giấy Vụn, 11.2009.

tau chưởi

tau tức quá rồi

tau chịu không nổi

tau nghẹn cuống họng

tau lộn ruột lộn gan

tau cũng có chân có tay

tau cũng có đầu có óc

có miệng có mắt

có ông bà

có cha mẹ

có vợ con có ngày sinh tháng đẻ

có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần

rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả

tau đầu tắt mặt tốiđổ mồ hôi sôi nước mắt 

vẫn đồng không trự nõ cósuốt cả đời ăn tro mò trú

suốt cả đời khố chuối Trần Minh

kêu trời không thấu

tau phải câm miệng hến không được nói

không được la hét

ghĩ có tức không

tau chưởi

tau phải chưởi

tau chưởi bây tau chưởi thẳng vào mặt bây

 không bóng không gió

không chó không mèo

mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước

giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây

đặng nghe tau chưởi

tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời

cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi

tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống hết nối dõi tông đường

 tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp

 tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu

tam giáo đạo sư bây cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây

 hà hơi trún nước miếng cho bây

 bây ỉ thế ỉ thần

 cậy nhà cao cửa rộng

 cậy tiền rương bạc đống

bây ăn tai nói ngược

 ăn hô nói thừa

đòn xóc nhọn hai đầu

 ngậm máu phun người

 bây bứng cây sống trồng cây chết

 vu oan giá hoạ

 giết người không gươm không dao

đang sống bây giả đò chết

người chết bây dựng đứng cho sống

bây sâu độc thiểm phước

bây thủ đoạn gian manh

bây là rắn

rắntoàn là rắn

như cú dòm nhà bệnhđêm bây mò ngày bây rình

 dưới giường

trên bàn thờtrong xó bếp

bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh rabây mang bí danh anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường

lúc bây thật lúc bây giả

 khi bây ẩn khi bây hiện

 lúc người lúc ma

 lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét

 lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm

 lúc như thầy tu vào hạ

 lúc như con nít đói bụng đòi ăn

hai con mắt bây đứng tròngbây bắt hết mọi người trứơc khi chết phải hôcha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bâysống dai đời đời kiếp kiếpphải quỳ gối cúi đầunghe bây nói không được cãiphải suốt đời làm người có tội

vạn đợi đội ơn bâyđứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu

bây làm cho mọi người tránh nhau

bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng

đồ phản độngđồ chống đốiđồ không đá bàn thờ tổ tiênđồ không biết đốt chùa thiêu Phậtthượng tổ cô bà bâymụ cô tam đợi mười đời bây

tau xanh xương mét máu thân tàn ma dại

rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch

 mả ông bà cố tổ bây kết hết à

tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm

bây ăn chi mà ăn đoản hậu

ăn quá dã man

bây ăn tươi nuốt sống

mà miệng không dính máu

người chết bây cũng không chừa

năm năm mười năm hai mươi năm

xương chân xương tay sọ dừa vải liệm

bây nhai bây khới bây mút

cả húp cả chan

bây còn kêu van xót ruột

bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt

xươngkhô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng

để bây xây lăng đắp mộ

dựng tượng dựng đài

chocha mẹ cố tổ bây

hỡi cô hồn các đảng

hỡi âm binh bộ hạ

hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió

trong am trong miếu giữa chợ giữa đườngđầu sông cuối bãi

móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó

cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi

bây giết người như thế

bây phải chết như thế

ác lai thì ác báo

tau chưởi ngày chưởi đêmmới bét con mắt ra tau chưởi

nửa đêm gà gáy tau chưởi

giữa trưa đứng bóng tau chưởi

bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi

mười hai nhánh họ bây

cao tằng cố tổ bây

tiên sư cha bây

tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén

xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng

tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ

mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm

tau chưởi  cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc

đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu

tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn

đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ

bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra

cũng phải tránh xa

tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn

sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn

chết không được mà sống cũng không được

tau chưởi cho dứt nọc dòng  giống của bây cho bây chết sạch hết

không bà không con

không phúng không điếu

không tưởng không niệm

không mồ không mả

tuyệt tự vô dư

tau chưởi cho bây chết hết

chết sạch hết

không còn một con

không còn một thằng

không còn một mống

chết tiệt hết

hết đời bây

29 tháng 6 năm 1997

________________

nhân dân và tôi

Nhân dân và tôi
chúng ta gặp nhau
mỗi ngày
như người câm
không nói
chiến tranh đi qua đi qua
người vẫn chết
còn chết vô tình
ở Sơn Mỹ Ba Làng An
Đắc tô Đắc Xiêng
Đường Chín
ở miền Nam
miền Bắc
Campuchia
ai biết

còn chết mãi

Nửa đêm thức dậy
nghe tiếng còi tàu thở hơi than máy đen
cùng nỗi mệt mỏi
của những khúc gỗ trôi trên sông một mùa nước trước
đã đi qua những chặng rừng không cây cối
đất đỏ bom hoang
khi cuộc biểu tình bị đàn áp
chúng ta rát cổ hô hào
dân chủ tự do

trong mạch máu những con giòi còn rúc
đứng đầy đường đại bác xe tăng
chúng ta nói chúng ta còn lực lượng
nhân dân ơi
tôi khóc tôi khóc

em bỏ về một mình
hai hàng cây xanh đường Trưng Trắc
bao giờ tôi mới được hôn em

Chúng ta gặp nhau
còn gặp nhau
mỗi ngày
như nhân dân
còn gặp nhau
bốn ngàn năm chưa thấy mặt
Việt Nam

Nhân dân ơi
mỗi lon gạo lon bắp
mỗi củ khoai củ sắn trồng trên đất này
chưa được tự do ăn
nên còn đẩy xe thuê
làm đĩ
lượm lon
hốt rác
mỗi ngày

như mọi đêm

Nhân dân ơi rất anh hùng
Nhân dân ơi chúng ta còn đông
nơi mũi chông nhọn chúng ta giận dữ
đòi trả thù
và được ăn no

Chúng ta gặp nhau
mỗi ngày
thân mật
như nhân dân còn đông lực lượng

tôi yêu em
như người lạ
vô cùng đắng cay

hôm qua hôm nay
ngày mai ngày mốt
người chết
người sống
không nói
không cười
không khóc
hòn đạn bắn vào đầu
hòn đạn đồng thối
quá khứ như một đống phân
tương lai treo ngọn cờ đỏ
nhân dân tôi
rất độ lượng
chống đất đứng dậy làm anh hùng

nhân dân ơi
trong giọt máu này của tôi
da vàng Châu Á

(tháng 5 năm 1970)

__________________

bài thơ của một người yêu nước mình

buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường
gió thổi những bông mía trắng bên sông
mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
tôi yêu đất nước này như thế
mỗi buổi mai
bầy chim sẻ ngoài sân
gió mát và trong
đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu

mẹ tôi thức khuya dậy sớm
năm nay ngoài năm mươi tuổi
chồng chết đã mười mấy năm
thủa tôi mới đọc được i tờ
mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
nước sông gạo chợ
ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ

sống qua ngày nên phải nghiến răng
cũng không vui nên mẹ ít khi cười
những buổi trưa buổi tối
ngồi một mình hay khóc
vẫn thở dài mà không nói ra
thương con không cha
hẩm hiu côi cút

tôi yêu đất nước này xót xa
mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở goá nuôi tôi
những đứa bà con hằng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới

thắp ba cây hương
với mấy cái bông hải đường
mẹ tôi khóc thút thít
cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
con nó còn nhỏ dại
trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng

tôi yêu đất nước này cay đắng
những năm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau hột muối

vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời

tôi yêu đất nước này khôn nguôi
tôi yêu mẹ tôi áo rách
chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiê

tôi bước đi
mưa mỗi lúc một to
sao hôm nay lòng thấy chật
như buổi sáng mùa đông chưa có mặt trời mọc
con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
nỗi mệt mỏi rưng rưng từng con nước
chim đậu trên cành chim không hót
khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may

tôi yêu đất nước này những buổi sớm mai
không ai cười không tiếng hát trẻ con
đất đá cỏ cây ơi
mười ba năm có héo mòn

đất đá cỏ cây ơi

lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
ăn quán nằm cầu
hai hàng nước mắt chảy ra
mỗi đêm cầu trời khấn Phật tai qua nạn khỏi
ngày mai mua may bán đắt

tôi yêu đất nước này áo rách
căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai

tôi yêu đất nước này như thế
như yêu cây cỏ trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
yêu một giọng hát hay
có bài mái đẩy thơm hoa dại
có sáu câu vọng cổ chứa chan
có ba ông táo thờ trong bếp
và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen

tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
trong bước chân chim sẻ
ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
hay nói chuyện huyên thuyên
chuyện trên trời dưới đất rất lạ
chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn

sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
ngó cây cam cây cải
thương mẹ già như chuối ba hương
em chưa buồn vì chưa rách áo

tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
áo đứt nút qua cầu gió bay

tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan

tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
ăn rau rìu rau éo rau trai
nuôi lớn người từ ngày mở đất
bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
một tiếng nói cũng đầy hồn thánh Gióng

tôi đi hết một ngày
gặp toàn người lạ
chưa ai biết chưa ai quen
không biết tuổi không biết tên
cùng sống chung trên đất
cùng nỗi đau chia cắt bắc nam
cùng có chung tên gọi Việt Nam
mang vết thương chảy máu ngoài tim
cùng nhức nhối với người chết oan ức
đấm ngực giận hờn tức tối
cùng anh em cất cao tiếng nói
bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
bữa ăn nào cũng phải được no
mùa lạnh phải có áo ấm

được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
được thờ cúng những người mình tôn kính
hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định

tôi trở về căn nhà nhỏ
đèn thắp ngọn lù mù
gió thổi trong lá cây xào xạc
vườn đêm thơm mát
bát canh rau dền có ớt chìa vôi
bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
mẹ bồng con lên non ngồi cầu ái tử

đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho người bên kia không gọi người bên này là người miền nam
cho người bên này không gọi người bên kia là người miền bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật

tôi yêu đất nước này chân thật
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
cứ trông đất nước mình thống nhất

19–12–1967

—————————————————————-

Liêu Thái – Đọc thơ Trần Vàng Sao: Những câu thơ chảy máu dưới bầu trời chậm chạp

(Đọc tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình, Nxb Giấy Vụn, 2009)

Cái cảm giác ấy, một thứ cảm giác chảy máu và âm ỉ nội thương mà Trần Vàng Sao đã thác vào thơ dường như không riêng gì ông mang, chỉ có điều ông nói nó ra một cách cụ thể, rành mạch và nói như trối chết, nói như chuẩn bị tắt thở, chẳng còn sợ vì cái chết đã ngấm vào căn phận Việt buồn của ông. Và cái chết, dù muốn thấy hay không muốn thấy nó cũng đã ngấm ngầm gặm nhấm sinh mệnh văn nghệ, sinh mệnh tự do của hằng thế hệ Việt trong một tương lai mù…

tôi yêu đất nước này như thế

mỗi buổi mai

bầy chim sẻ ngoài sân

gió mát và trong

đường đi đầy cỏ may và  muộng chuộng

tôi vẫn sống

vẫn ăn

vẫn thở

như mọi người

đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ

một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu

một vết buồn khô trên mặt đá

không có ai chia tay

cũng nhớ một tiếng còi tàu

 

mẹ tôi thức khuya dậy sớm

năm nay ngoài năm mươi tuổi

chồng chết đã mười mấy năm

thủa tôi mới đọc được i tờ

mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần

nước sông gạo chợ

ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ

sống qua ngày nên phải nghiến răng

(Trần Vàng Sao – “Bài thơ của một người yêu nước mình”)

Suốt bài thơ là nỗi đau đáu của một người yêu nước mình, mà dường như không chỉ một người, có đến chí ít là hai người, trong hai người ấy lại có vô số người yêu nước, họ chấp nhận, cam chịu một đời sống như động vật, đau khổ, tủi nhục, “nghiến răng mà sống” để vin vào niềm tin nào đó mơ hồ, huyễn hoặc… Và cuối bài thơ (đúng hơn là gần cuối bài thơ) một phần khác, phần tưởng niệm cho những khoảnh khắc não trạng thăng hoa của người yêu nước mình bị tịch thu, bị thiến: SÂN KHẤU II đã bị tịch thu ngày 26 tháng 1 năm 1972 tại K65 – thị xã Sơn Tây. Phải chăng đó cũng là cái giá của một người yêu nước? Và yêu nước là một cái tội, vì lẽ, lòng yêu nước từ lâu đã được đánh tráo, thay thế bởi lòng yêu tập thể, yêu tổ chức, yêu Đảng? Những thứ tình cảm vượt ngoài qui tắc trên trở thành phản bội, tội đồ?

tôi hãy tưởng tượng một hôm tôi được ăn thịt

tôi vui vẻ nói cười

miếng thịt có khúc mỡ dày

chảy tuột qua cuống họng tôi

hai mắt tôi mở to

tôi ngồi dưới đất và

đĩa thịt rất mềm trước mặt

những lá hành dài nổi

trong nước mỡ

tay tôi cầm đĩa và miệng tôi nhai

mặt trời chói trong lá cây

buổi trưa mùa hè không có gió

 

tôi ngủ dậy đưa tay cào cổ

nước sông mặn

tôi ra ngoài cửa ngõ đứng  hút thuốc

rồi nói to mọt mình

đến chiều trời sẽ mưa dông rất mát

ngày 19 tháng 8 năm 1982

(Trần Vàng Sao – “Tôi được ăn thịt”)

Có lẽ khi Trần Vàng Sao viết những dòng thơ thèm thuồng tục luỵ này, khi ông “hãy tưởng tượng một hôm tôi được ăn thịt”, ông vẫn chưa quên cái không khí cách mạng vùng lên cướp chính quyền, cách mạng nổi lên như ong vỡ tổ của ngày 19 tháng 8 năm 1945 mà ông đã được nghe, được đọc, được tuyên truyền (vì chắc chắn ông không có mặt trong cuộc nổi dậy đó được, ông sinh năm 1941, bốn tuổi chưa giác ngộ cách mạng kịp đâu!) để rồi sau đó ông dành gần nửa cuộc đời phụng sự, trung thành và sống chết, trả giá với nó. Một cuộc nổi dậy, cuộc cách mạng đầy những hứa hẹn cơm no áo ấm, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ… Và ông – một trí thức, một thi sĩ, một người yêu nước mình đã có một “nỗi thèm thuồng” dưới mức của một con người bình thường trong cái ngày “trọng đại” này!

Bài thơ của ông gợi cho tôi – một đứa hậu sanh ra đời sau 1975 – nhớ đến một câu chuyện khác có liên hệ đến bản thân. Tôi còn nhớ hồi đó, những năm 80 thế kỉ trước, trong thôn tôi ở thường tổ chức họp an ninh vào 16 âm lịch hàng tháng. Và hình như là trên toàn quốc, đâu cũng vậy. Chủ trì cuộc họp là ông tổ trưởng tổ an ninh, ông này tuy lụ khụ, đọc biên bản chữ được chữ mất nhưng oai ra phếch, được mấy bà xun xoe, bợ đỡ ác lắm! Trong một kì họp, tôi nhớ không lầm là năm đó tôi 10 tuổi, ông trưởng an ninh lập biên bản khiển trách bà ngoại tôi vì tội ăn thịt gà. Ngoại tôi cố gắng chứng minh là bà tự nuôi gà làm thịt ăn chứ không mua của tư thương và cũng không mua của ăn cắp. Ông này bảo bà tôi làm vậy là trái với tinh thần xã hội chủ nghĩa, trong lúc mọi người đang tập trung xây dựng xã hội chủ nghĩa mà “bà làm gà ăn thịt” là tiếp tay cho tội ác, là hậu phong kiến… Nghe đến đây, bà tôi nổi khùng vì ông tôi vốn là ông nghè dạy học, bị xếp vào địa chủ, bị tịch thu toàn bộ tài sản. Im lặng một lúc, bà hỏi: “Thưa ông trưởng ban an ninh, tôi hỏi ông nhé, con trai tôi bỏ xương máu cho sự nghiệp cách mạng, tôi còn mỗi đứa con gái và thằng cháu ngoại, giờ nó bịnh, tôi cho nó uống thuốc có tội hay không? Ông trả lời nhanh!” “Không có tội” – ông ta trả lời. “Vậy thì hồi đầu hôm tới giờ ông toàn nói nhảm, tôi làm thịt con gà đen hầm thuốc bắc cho thằng cháu nó chữa bịnh suy dinh dưỡng, tôi đâu có ăn nhậu, làm sao gọi là tội được. Mà tôi cũng hơi lạ là tôi làm thịt gà buổi tối, gà không kêu, ông ở cách nhà tôi gần 3 cây số mà ông biết được là quá siêu! Nhưng ông sai rồi, tôi về đây!” Nói xong, bà tôi đứng dậy ra về… Mặt ông trưởng ban hầm hầm hự hự… Cũng may bà tôi là mẹ liệt sĩ, nếu không thì chuyện không nhỏ tí nào. Và, chuyện anh Trần Vàng Sao tự nằm mơ thấy mình được ăn thịt, hay nhiều người khác nằm mơ, nằm ác mộng gì đó trong cái “ngày trọng đại” kia âu cũng không có gì lạ lẫm trong xứ sở này!

tôi thấy tôi như người tù được thả rông

lang thang giữa đường giữa phố

nhìn hết mọi người

xem mình lâu ngày mặt mũi có khác mọi người

không

tôi đi lui

tôi đi tới

phố phường đông chật

tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ

chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng

tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc

lấy chân hất một hòn đá

cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề

đường

rồi đi về

qua cầu dép sút một quai

tôi không nhớ gì hết

 

(…)

 

Tôi vỗ tay hoan hô…

(Trần Vàng Sao – “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình”)

Cảm thức xuyên suốt tập thơ là cảm thức chạy trốn, chối bỏ chính mình. Chạy trốn, chối bỏ vì nó chính là mình, nó là căn để của mọi hệ luỵ mà người thơ phải nếm trải như một rủi ro định mệnh. Chạy trốn vào cơn du miên bất tận, chạy trốn vào hình hài điên rồ, thác loạn, chạy trốn vào thân tàn ma dại người người ngợm ngợm giữa phố phường, giữa tám chục triệu con người vẫn thấy mình lạc lõng, bơ vơ… Và hoan hô những phù hư của một thời nhầm lẫn khôn nguôi…

người thổi chai thổi cái chai qua lỗ trống

người thổi chai thổi từ cái không ra cái có

người thổi chai thổi cái không để đựng cái có

người thổi chai không thổi được cái chất chai chỉ thổi

được hình chai

 

người thổi chai thổi mình vào cái chai

(Trần Vàng Sao – “Thổi chai”)

Làm thơ, trong một ý nghĩa và chừng mực nào đó có thể ví nó cũng là công cuộc thổi chai, “thổi mình vào cái chai” để chiêm nghiệm cái không có thật trong cuộc đời, để nhấm nháp nỗi hư huyễn của tuổi trẻ, của một thời dám mang máu tim, thân thể ra đánh đổi cho một thứ gì đó nửa phật nửa ma, và cái giá, kết cục cho mình là sự phũ phàng, là những vết thương dần dà đi đến triệu chứng tự giam, triệu chứng thực vật trong một cơ thể vẫn hoạt động bình thường. Thiết nghĩ, đâu riêng gì Trần Vàng Sao, đã có rất nhiều người trong đất nước này đã tự làm một công – cuộc – thổi – chai, rồi tự giày vò, tự đau khổ, tự làm lành những vết thương bằng những cơn đau khác mà thời cuộc đã mang đến trao họ… Điều may mắn, mà cũng là rủi ro của Trần Vàng Sao nằm ở chỗ ông là một thi sĩ, ông có thể đại diện cho chính mình và cho nhiều người phát biểu lên những thống khổ của một kiếp người trót chọn một con đường. Và cũng chính vì ông là thi sĩ nên hệ luỵ dành sẵn cho ông cũng lớn hơn bao người khác!

Và, đôi khi thứ hệ luỵ ấy được giấu đi trong nhiều mã ngôn từ, dưới những lớp vỉa lịch sử, thời gian. Tuy nhiên, những gì thuộc về máu xương, sinh mệnh và sử lịch, dù nằm ở tầng bậc nào thì người ta cũng không thể giấu đi sự thật – sự thật về thân phận con người, sự thật về những sự thật bị bưng bít, giấu nhẹm – chính những trang giấy trắng tưởng niệm cho những trang thơ bị chết, từ k65 – thị xã Sơn Tây ngày 26 tháng 1 năm 1972, cho đến những chú giải dưới bài thơ về ngày, tháng, năm đã khảm vào người đọc (kể cả người viết) một dấu ấn khó phai về những ngày tưởng chừng như rất bình thường trong đời sống nhưng lại mang đầy máu và nước mắt…

Những trang thơ đã hy sinh cho chủ nhân của nó, cho tính mệnh văn nghệ của người viết nên nó đã phản ánh lên một sự thật khác.

Và, cái điều mà rất nhiều nhà xuất bản được mệnh danh chính thống, được cấp giấy phép hẳn hoi, được cài đặt trong một hệ thống chính qui đã không làm được hoặc cố tình không làm được vì một lý do tế nhị hoặc bỉ ổi nào đó thì nhà Giấy Vụn đã làm được một cách dũng cảm, đầy nhân tính – xuất bản một cách công khai, tôn trọng bản quyền, chú thích những trang viết bị tịch thu – hành vi này cói thể phương hại đến quá trình, tương lai xuất bản của họ. Nhưng họ đã làm. Vì, suy cho cùng, thi ca, đâu chỉ đơn giản là bề mặt chiếc vỏ ốc, mà, hãy lắng nghe những âm thanh u a phát ra từ bên trong vỏ ốc kia, dù điều ấy cũng rất vô thường!

… Như những câu thơ đang chảy máu dưới bầu trời chậm chạp!

© 2009 Liêu Thái

© 2009 talawas blog

Entry filed under: bloggers, Các tin liên quan, FreeLeCongDinh. Tags: , , .

ĐẢNG XỬ ÁN & LUẬT PHÁP CỦA LÒNG DÂN Chuyện thật nhưng tưởng như đùa tại Quốc hội của chế độ toàn trị !

3 Comments Add your own

  • 1. Dở Sống - Dở Chết  |  November 29, 2009 at 6:49 am

    Hỡi bác Trần Vàng Sao ơi ! Hỡi nhà xuất bản Giấy Vụn ơi !

    Dưới chế độ Cộng Sản XHCN lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, nói nhiều là vô tù, lù đù là đớp sạch thì thân phận của Bác, của em, của con bác, của con em, của cháu bác, của cháu nội – cháu ngoai em cũng chẳng khác gì thân phận Dở Sống – Dở Chết của con cá này…

    Còn Đảng là Còn Nghèo,
    Còn Đảng là Còn Dốt,
    Còn Đảng là Còn Tham !!!

  • 2. Mẹ Việt Nam  |  November 30, 2009 at 12:05 am

  • 3. bó tay  |  December 2, 2009 at 10:02 am

    Những bài thơ của ông Trần Vàng Sao quả đau đớn và đi sâu thẳng vào lòng người. Tôi không cầm được nước mắt … Xin cảm ơn nhà thơ và những người can đảm đã giới thiệu tập thơ này đến mọi người.

DO NOT Leave a Reply - Ý kiến của bạn sẽ không được hiển thị

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Calendar

November 2009
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Most Recent Posts