Ai phải trả lời?

September 29, 2009 at 7:19 am 1 comment

Nguyễn Trung Dân gửi cho BBCVietnamese.com từ TP Hồ Chí Minh

 Bìa báo Du lịch ấn bản Xuân Kỷ Sửu

Báo Du lịch trực thuộc Tổng cục Du lịch VN

Tôi đã thử đặt trên bàn hai thứ: Một là các trang báo Du lịch số Xuân 2009 với các bài viết mà vì nó, báo bị đình bản ba tháng – và cho đến tận hôm nay – toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc không có lương ăn.

Tôi thì bị đình chỉ chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo.

Và thứ hai, khác và “lạ”, là bài báo trên trang Báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Đào Duy Quát làm Tổng Biên tập, Trung ương Đảng là cơ quan chủ quản.

Báo này đã dịch ra và đăng tải thông tin khoe sức mạnh của quân lực … “Tàu mình” đang tập trận nơi Biển Đông có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ca ngợi sự biểu dương lực lượng của nước “Tàu mình” như chốn không người nhằm xác lập vai trò của kẻ xâm lược.

So sánh để thử hiểu được điều gì đang xảy ra trên đất nước tôi và đau đớn phải hiểu ra là “không thể hiểu được”.

Vì làm sao có thể hiểu nổi cùng là người Việt Nam “da vàng, mũi tẹt” mà ngôn ngữ “xa lạ” nhau đến vậy, cách đối xử với đồng đội, đồng chí mình sao mà ghê rợn như kẻ thù?

Đình bản ba tháng (từ 14/4/09 cho đến hôm nay 26/9/09 là 5 tháng 12 ngày) – từng ấy ngày không lương ăn, không việc làm và kinh khủng hơn là không ai thèm biết đến sự tồn tại của hơn 50 con người đang vất vưởng, tội nghiệp, chờ kiếm cho ra một người phụ trách mới.

Mà là tội gì?

Có chăng là tội muốn nói lên cho mọi người biết rằng Việt Nam vẫn có – và có nhiều – những thanh niên sẵn sàng xuống đường (và sẵn sàng chết) cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (xem bài Tản mạn cho đảo xa của Trung Bảo).

Và cho dù đã “lỡ lầm” mất Ải Nam Quan thì cũng cần ghi dấu “Hận Nam quan” cho con cháu mai sau biết được rằng: Nước Việt Nam ta hình cong chữ S, liền một dải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (xem Hận Nam quan của Hoàng Cầm).

Vậy thì đâu là điều đúng, sai để làm ra một quyết định kỷ luật như sau:

“Quyết định đình bản báo Du lịch căn cứ vào “những sai phạm nghiêm trọng của báo Du lịch số Tết Kỷ Sửu 2009.”

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, “lãnh đạo báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009 vi phạm nghiêm trọng các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.”

Tại sao đăng?

Có một điều, dù đã có một vài người biết, nay tôi cũng muốn được nói ra.

Tác giả Trung Bảo của bài “Tản mạn cho đảo xa” là con trai đầu của tôi – đứa con mà khi nó vào đại học tôi đã căn dặn không được học và làm nghề báo.

Bởi hơn 20 năm làm báo, tôi đã phải chứng kiến và trải qua bao điều dâu bể để mong con chọn sự bình an trong cuộc đời.

Vậy mà như một định mệnh, cháu vẫn theo học khoa báo chí, ra trường làm việc ở báo Thanh Niên, và được xem là một thanh niên có ý thức đối với đất nước và có khả năng làm báo.

Có phải khi đã yên vị ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc thì đất nước, lòng yêu nước đã trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn cái ghế của mình hay không?

Nguyễn Trung Dân

Khi cầm bài báo Trung Bảo viết cho số Xuân Du lịch, tôi đã đắn đo rất lâu. Trong tình hình lúc ấy, với sự nhạy cảm cần thiết, tôi hiểu được điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra.

Thế nhưng, tất cả những điều có thể xảy ra ấy có khiến tôi chùn tay không dám ký duyệt cho đăng bài viết này, mà khi đọc tôi thật sự xúc động tận tâm can?

Tôi thương cho bầu nhiệt huyết của lớp lớp tuổi trẻ sẵn sàng xả thân mình, xuống đường biểu tình và có lẽ không ngần ngại hy sinh thân mình khi tấc đất quê hương đang bị xâm chiếm.

Rồi tôi sợ.

Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt con tôi, sợ phải nghe câu hỏi là bao nhiêu sự tích anh hùng của cha ông, sao bây giờ lại thế này?

Và điều quan trọng này nữa: Có phải khi đã yên vị ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc thì đất nước, lòng yêu nước đã trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn cái ghế của mình hay không?

Ghế Phó Tổng Biên tập phụ trách của tôi có đủ sức chịu đựng những câu hỏi ấy không? Và tôi, tôi đang ở đâu, ở nhóm nào khi đất nước đang có nguy cơ bị xâm lăng như vậy?

Không phải chỉ tôi trả lời và không phải chỉ một mình con tôi hỏi.

Cả dân tộc đang hỏi, và ai phải trả lời đây?

Hiểu hay không hiểu?

Chọn đăng những bài báo ấy, tôi còn có tính toán làm phép thử.

Bởi tôi vẫn tin rằng, đâu đó thẳm sâu trong lòng mọi người dân Việt, tấm lòng yêu nước nồng nàn đã đưa đất nước vượt qua bao họa xâm lăng sẽ khiến cho người có trách nhiệm biết cách lèo lái, sẽ phải “đưa cao đánh khẽ” để báo chí, công dân có cách thể hiện tấm lòng, sự quật cường, không chịu khiếp nhược vớí bất cứ kẻ xâm lược nào, khi mà vì lý do nào đó nhà nước đang còn vận động “ngoại giao”; và ngay cả khi cho là báo Du lịch có “sai” (nhưng sai rất chân thành).

Tôi đã nhầm. Họ đã cư xử như “Người lạ”.

Tôi đã cố gắng giữ sự yên lặng.

Không than phiền việc mất chức, ngồi không (cái chức mà tôi vẫn tự trào là chưa kịp khoe với bạn bè đã mất).

Không viết lách gì và cũng không muốn phát biểu với ai để trần tình phải trái, dù rằng ai cũng đồng tình là tôi bị tai nạn, nhưng đều thấy tôi như người “chết rồi” từ khi có quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vì tôi vẫn hy vọng, có thể ở “tầm của tôi” khó hiểu được cách làm, những ứng xử của “tầng vĩ mô”.

Giờ đây tôi buộc phải thất vọng.

Cách thể hiện trên trang Báo Điện tử của Đảng (có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện đất nước) và cách kỷ luật bằng tiền sự sai phạm, đối nghịch hẳn với sai phạm của báo Du lịch, của những người đang nắm vận mệnh quốc gia như đã làm, thì thật sự không hiểu nổi điều gì đang xảy ra với dân tộc chúng ta.

Nói không hiểu tức là đang hiểu vậy.

Ông Nguyễn Trung Dân là một người làm báo kỳ cựu, giữ chức phó Tổng biên tập điều hành báo Du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho tới khi báo này bị đình bản tháng Tư 2009. Hiện ông Dân sống tại TP Hồ Chí Minh. Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

Entry filed under: Báo chí Quốc tế, Các tin liên quan. Tags: , , .

Thư ngỏ của TS Nguyễn Quang A gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Muốn hội nhập phải hành xử văn minh

1 Comment Add your own

  • 1. GiảiPhóng MiềnNam?  |  September 29, 2009 at 1:22 pm

    Đừng đổi thừa Mỹ – Ngụy tàn phá Miền Nam Việt Nam bằng lối sống đồi trụy phản động với Mãi Dâm – Ma Túy.

    34 năm qua đã đánh cho Mỹ Cút – Ngụy Nhào mà sao Ma Túy – Mãi Dâm tràn lan gấp 5, gấp 10 xưa kia và còn cộng thêm Quốc Nạn Tham Nhũng và Độc Tài Đảng Trị hơn trước nhiều?

    * Bài thơ được phổ biến 27 năm sau.

    TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN (1982)
    Đỗ Trung Quân

    1
    Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
    Các anh từ Bắc vào Nam
    Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
    Các anh đến
    Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
    Của xì ke, gái điếm, cao bồi
    Của tình dục, ăn chơi Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!

    Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
    Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
    Các anh bảo Sài Gòn là trang sách hư vô
    Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
    Ngòi bút các anh thay súng
    Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
    Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
    Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
    Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là thú hoang nổi loạn
    Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
    Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
    Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

    2.
    Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
    Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
    Có anh thợ điện ra đi không về
    Tội nghiệp những bà mẹ Bàn Cờ của những ngày chống Mỹ
    Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
    Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa
    Đi từ tuổi hai mươi

    Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc
    Có ai hỏi những hàng dương xanh
    Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước
    Tội nghiệp nhưng đêm Sài Gòn đốt đuốc
    Những người cha bến tàu xuống đường với bao tử trống không
    Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
    Áo chùng đen đẫm máu
    Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
    Những vị giáo sư trên bục giảng đường
    Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc

    Sài Gòn của tôi – của chúng ta.
    Có tiếng cười
    Và tiếng khóc

    3.
    Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
    Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
    Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện
    Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
    Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
    Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hy sinh

    4.
    Và khi ấy
    Thì chính các anh
    Những người nhân danh Hà Nội
    Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
    Chửi đã đời
    Chửi hả hê
    Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình
    Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
    Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
    Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
    Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
    Những bà mẹ làm ra hạt lúa
    Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
    Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
    Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch

    Bây giờ
    Những đứa con đang tự nhận mình trong sạch
    Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
    Các anh
    Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
    Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu
    Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép sa bô
    Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh, ti-vi, cassette, radio

    Bia ôm và gái
    Các anh ngông nghênh tuyên ngôn khôn & dại
    Các anh bắt đầu triết lý sống ở đời
    Các anh cũng chạy đứt hơi
    Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

    Sài Gòn 1982 lẽ nào
    Lại bắt đầu ghẻ lở?

    5.
    Tội nghiệp em
    Tội nghiệp anh
    Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
    Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
    Những ai đang cố tẩy rửa lý lịch đen
    Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

    6.
    Xin ngả nón chào các ngài
    Quan toà trong sạch
    Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
    Bình thản đổi thay lốt cũ
    Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
    Hồn nhiên xanh muôn thưở
    Để yên cho xương rồng, gai góc
    Chân thật nở hoa

    Này đây!
    Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
    Nơi một góc (chỉ một góc thôi) Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở
    Bây giờ
    Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào thượng đế
    Khi sống hả hê giữa một thiên đường
    Ai bây giờ
    Sẽ
    Tạ lỗi Với Trường Sơn?

DO NOT Leave a Reply - Ý kiến của bạn sẽ không được hiển thị

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Calendar

September 2009
M T W T F S S
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
282930  

Most Recent Posts