NGUYỄN QUANG LẬP : Mời cu Lờ làm thủ tướng

October 26, 2009 at 11:00 pm 6 comments

 Philipp Rösler

 Philipp Rösler

… Nghĩ đến đây bỗng nhiên mơ mình có cái quyền tuyển chọn lãnh đạo, lập tức chạy sang Đức gặp cu Lờ, nói ê cu, mày về giải quyết vụ Bauxite Tây Nguyên thật ngon lành, tao cho mày làm thủ tướng. Mày làm thủ tướng 5 năm nếu tham nhũng nước mình không còn là quốc nạn thì mày ưa gì làm nấy, tụi tao sẽ nhất tề gọi mày là Anh giai dân tộc, gọi thế cho nó máu….

 —————————————————-

Tối qua đi uống rượu về, mò vô nhà bác Ba Sàm thấy tin ông Philipp Roesler là người  gốc Việt đầu tiên trong nội các Đức, sướng rêm, máu tự hào dân tộc nổi lên, dù đã say vẫn nốc hết ly rượu to, hút hết nửa bao thuốc mới chịu lên giường. Lên giường rồi vẫn không ngủ được, cứ nghĩ vẫn vơ, giá mình là bố Philipp Roesler, nghe tin này thì sẽ thế nào nhỉ? Mới nghĩ đến thế đã nước mắt dàn dụa. 

 Philipp Roesler  phiên âm ra tiếng Việt  là Phi lip Rơs lờ, người Việt mình thích nói tắt, gọi là cu Lờ cho nó đậm đà bản sắc dân tộc. Cu Lờ máu Vịêt toàn tòng, mới 36 tuổi đã làm bộ trưởng của một nước to đùng, dù biết bộ trưởng nước tây hôm nay nhậm chức hôm sau có thể mất chức, chứ không phải như ta, đã lên đến chức đó rồi thì cứ nhè vinh hoa phú quí mà thẳng tiến, thì cũng cứ sướng cái đã.

Mới hay cái môi trường nó quan trọng đến thế nào. Hoàn cảnh như cu Lờ nếu ở ta giỏi lắm cũng chỉ được như bác sĩ Sao Hồng ở Nha Trang, ngày đi rạch bụng người tối lên blog tán gái, thế là oách lắm rồi. Cái chân Viện trưởng cũng chả có, đừng nói Bộ trưởng y tế, còn khuya.

Ở ta xem lý lịch, giá quê Cần Thơ,  Bến Tre thì còn hy vọng chứ  Khánh Hoà thì kẹt rồi, lại còn không cha không mẹ, không họ hàng thân thích, nói chuyện làm bộ trưởng khác nào đơm đó ngọn tre. Còn bảo làm bộ trưởng lúc 36 tuổi thì có đánh chết cũng chẳng dám mơ.

Tuổi ấy xưa Võ đại tướng đã làm bộ trưởng, xa hơn nữa cụ Trần Phú làm tổng bí thư lúc 24 tuổi, nhưng cái thời ấy đã đi vào dĩ vãng, ít có cơ may quay trở lại. Bây giờ nghe ông Hoàng Trung Hải 46 tuổi làm phó thủ tướng ai ai cũng mắt trợn mồm há, nói trẻ quá trẻ quá. Đừng nói 46 tuổi, năm sáu mươi tuổi vẫn cứ còn là trẻ, đến tuổi đái ướt quần rồi vẫn cứ còn trẻ như thường.

Thiên hạ bàn tán cả tháng nay về một ông nào đấy nói chỉ có tiến sĩ mới có khả năng đột phá tư duy. Chả biết tiến sĩ có đột phá tư duy hay không chứ tuổi trẻ có khả năng đột phá tư duy là cái chắc. Mình từ khi lớn khôn đến giờ đã hơn ba mươi năm, năm nào cũng nghe trên hô hào trẻ hoá trẻ hoá, trẻ hoá thế nào mà lực lượng đái ướt quần ngày càng phát triển rầm rộ, ghế nhỏ ghế to không chỗ nào là không có mấy ông đó chiếm giữ.

 

Mình uống rượu tán phét với mấy ông tổ chức, nói các ông tuyển cán bộ đừng có nhìn vào lý lịch, thời buổi chia tỉnh nhập tỉnh tùm lum, khai lại cái tuổi có gì là khó. Các ông cứ lùa tất cả vào toilet bảo đái, cứ ông nào đái ướt quần thì cấp ngay sổ hưu. Làm thế thật kiên quyết, bảo đảm có ít nhất 60% ghế trống dành cho tuổi trẻ.

Nói thật giá nước ta có vài mươi anh như Philipp Roesler , kẹt lắm thì năm bảy anh cũng được, giữ những vị trí quan trọng thì đất nước mình chắc sẽ khá lên nhiều. Một ông nhà văn nói chơi vui, nói lãnh đạo nước mình không có ai để mình gọi bằng thằng cả, toàn phải gọi bằng anh bằng ông bằng cụ, chán mớ đời.

Nghĩ đến đây bỗng nhiên mơ mình có cái quyền tuyển chọn lãnh đạo, lập tức chạy sang Đức gặp cu Lờ, nói ê cu, mày về giải quyết vụ Bauxite Tây Nguyên thật ngon lành, tao cho mày làm thủ tướng. Mày làm thủ tướng 5 năm nếu tham nhũng nước mình không còn là quốc nạn thì mày ưa gì làm nấy, tụi tao sẽ nhất tề gọi mày là Anh giai dân tộc, gọi thế cho nó máu.

Mơ thế thôi, chả chắc cu Lờ nó chịu nghe cho, dù gì đầu gà tây còn hơn má lợn ta. Vả lại cu Lờ có tài đến giời mà chạy đâu cũng đụng phải 16 chữ vàng thì làm được cái gì tốt. Nói thế để thông cảm sâu sắc với thủ tướng đương nhiệm, tuyệt không có ý gì khác, xin thành thật khai báo .

 

Một ngôi sao đang lên trên chính trường nước Đức

Nguyễn Như Vinh (CHLB Đức)

Ông Philipp Roesler là người Việt đầu tiên trong nội các Đức. Ông Philipp Roesler là người Việt đầu tiên trong nội các Đức. 

 

 Một tin vui cho đất nước ta, cũng như cho cộng đồng người Việt ở Đức và Châu Âu,  anh Philipp Rösler ( đọc là Phi lip Rơs lờ) được chọn làm tân Bộ trưởng Y tế Liên Bang Đức cho tân nội các mới, qua quá trình đàm phán giữa 2 đảng CDU (Dân Chủ Thiên Giáo) và đảng FDP (Dân chủ Tự do), mà họ đã chiếm đa số qua cuộc bầu cử liên bang tại Đức ngày 27.09.2009 vừa qua.

Anh là Bộ trưởng trẻ nhất trong tân nội các dưới sự lãnh đạo của bà thủ tướng Angelika Merkel, mới có 36 tuổi, sinh ngày 24.02.1973 tại Khánh Hoà, Việt Nam và được 1 gia đình người Đức nhận làm con nuôi khi mới còn chín tháng tuổi ở 1 cô nhi viện công giáo.

Anh sinh sống và trưởng thành tại vùng Bắc Đức, tại các thành phố Hamburg, Hannover, tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa năm 2002. Anh đã lập gia đình, hiện đang có 2 con gái sinh đôi mới được 4 tháng.

 Con đường thăng hoa công danh của anh có những bước nhẩy vọt, 1 hiện tượng gây nhiều quan tâm, chú ý ở chính trường và dư luận ở Đức, cụ thể ở các mốc điểm như sau:

  • 1992: gia nhập đảng FDP
  • 2000 – 2004: Tổng thư ký FDP tiểu bang Niedersachsen
  • 05.05.2005 : được bầu vào uỷ viên ban chấp hành liên bang đảng FDP với số phiếu cao nhất, 95%
  • 18.03.2006: được bầu làm chủ tịch đảng FDP cho tiểu bang Niedersachsen với số phiếu 96,4 %
  • 18.02.2008: được chọn làm Bộ trưởng tiểu bang Niedersachsen phụ trách Kinh tế, Lao động và Giao thông, cũng như ghế phó Thống đốc tiểu bang.

Ý định ban đầu của anh chỉ muốn hoạt động chính trị ở tiểu bang Niedersachsen và dừng chân lúc 45 tuổi. Được hỏi vì sao, anh trả lời: cha anh luôn nói, làm chính trị và diễn viên có điểm giống nhau, tức là biết dừng chân đúng lúc khi khán giả còn đang vỗ tay.

Đối với anh người cha nuôi là 1 tấm gương sáng, mẫu mực, đầy tình thương và trách nhiệm, hành động thay vì chỉ nói. Vào những thập niên 70 khi cả triệu người Đức xuống đường, chống chiến tranh Việt Nam và cùng nhau hô „ Hồ…Hồ…Hồ Chí Minh“, cha mẹ anh đã quyết định „ Chúng ta không chỉ nói mà phải hành động. Chúng ta phải nhận 1 trẻ nuôi Việt Nam“.

Và từ tâm thức chuyển hoá thành cụ thể: Cái hành động đó nay đã đơm hoa kết trái, làm nức lòng và hãnh diện cho bao người Việt chúng ta. Hy vọng rằng nhân tố này sẽ tác động tích cực cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước Đức và Việt Nam, phát triển thêm sâu rộng.

Trong 4 năm tới tên anh Philipp Rösler sẽ được nhiều người biết đến. Nắm trọng trách Bộ trưởng Y tế Liên Bang Đức, là 1 ngành rất khó khăn đang được mọi người quan tâm anh Philipp Rösler còn nhiều chông gai và thử thách trước mắt. Những mong anh có nhiều nghị lực và bản lãnh, vượt qua các khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân Đức giao phó, mà cũng gián tiếp rạng danh giòng giống con Rồng cháu lạc trên xứ người.

( Nguồn: website Ba Sàm)

Entry filed under: bloggers, Các tin liên quan. Tags: , .

Dân và nhà nước không đi chung một đường Tưởng Năng Tiến – Đêm Havana và ngày Hà Nội

6 Comments Add your own

  • 1. TT Tư Pháp Đinh Việt  |  October 27, 2009 at 12:19 am

    Tại sao mấy tên mồ côi, chăn bò, bán vé số ở Việt Nam thì lại làm Quan To ở nước ngoài ??? Bộ mấy thằng Tư Bản nó bị điên khùng hoặc hết người rồi hay sao mà lại đi mướn mấy tay cùng đinh khố chuối này làm thứ trưởng, bộ trưởng ????

    À, chắc là con đường này là con đường đúng đắn tiến lên XHCN nên Đảng Ta cũng bắt chước dùng toàn những tên thất học, chân đầy phèn chua nước lợ, bỏ nhà đi cách mạng từ 10 – 15 tuổi và giờ đây cho nắm Thủ (Dâm) Tướng, Chủ Tịt Nước, Tổng Bí Thở, v….v….

    Vậy tại sao nước chúng nó thì giàu mà nước ta thì nghèo ??

    À, tại vì chúng nó chỉ đi bán vé số, mồ côi cha mẹ lúc còn nhỏ ở Việt Nam thôi chứ lúc qua Đức, qua Mỹ được cho ăn học đàng hoàng nên tạo ra những bước đi bứt phá, đột phát…

    À, còn lãnh tụ của ta thì bỏ nhà, trốn học, đi cách mạng nên không được học hành đầy đủ, đã vậy lúc về thủ đô thì lo nắm giữ cái ghế cho chặt rồi đi nhậu nhẹt, gái gú, rồi đi “học tại chức” để có tấm bằng “tiến sĩ giấy” lòe bà con cho vui…

    Bởi vậy cũng là một hạt giống nhưng nó sinh hoa kết trái trên xứ người còn ở Việt Nam vì không có phun “thuốc trừ sâu” nên sâu giòi bọ bò ra lúc nhúc đục ruỗng cả thân lẫn gốc, chẳng có hoa mà cũng chẳng có trái. Lâu lâu được Nhật Bản cho chút ít viện trợ “phân bón” ODA thì lại xanh tươi được vài năm rồi thỉnh thoảng ra vài trái còi cọc, héo quắt tượng trưng cho có lệ …

    Thằng bạn của tớ đi kinh tế mới trên Đắc Nông chỉ chuyên đi chăn bò vậy mà sau khi người nhà đóng tàu cho đi vượt biên ké thế là bây giờ nó làm tiến sĩ hóa học đang đi dạy đại học bên Mỹ.

    Còn tớ thì cũng đi kinh tế mới nhưng bị kẹt lại Nhân Cơ đến bây giờ bị đuổi đi để giành đất cho bọn Tàu khai thác Bôxít nên rốt cuộc tớ là người “sống vô gia cư, chết vô địa táng”. Thế là mấy cha con lại kéo nhau về Sài Gòn ngày bán vé số, đêm ngủ vỉa hè nhưng ít ra cũng có cái ăn qua ngày chờ Cách Mạng nổi lên để dẹp tan cái đám sâu bọ hút máu dân như Huỳnh Ngọc Sỹ và đồng bọn.

    <>

    GS Đinh Việt Lên tiếng: Hỗ Trợ LS Trần Thái Văn

    Thêm một tiếng nói hỗ trợ cho Luật Sư Trần Thái Văn, hiện đang là dân biểu tiểu bang California, ra tranh ghế của Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez ở Quận Cam trong cuộc bầu cử 2010: Giáó sư Đinh Việt.

    Như thế, nhiều tên tuổi lớn Mỹ gốc Việt trong Đảng Cộng Hòa đã lên tiếng ủng hộ Trần Thái Văn để tranh ghế của DB liên bang Loretta Sanchez, một vị dân cử Dân Chủ và cũng thân cận với cộng đồng Việt.

    Bản tin hôm Thứ Tư từ văn phòng LS Trần Tháí Văn được trích như sau.
    Washington, DC — Văn phòng Tranh cử của Dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn vừa nhận được sự ủng hộ chính thức (endorsement) của Giáo sư Đinh Việt ra tranh cử chức vụ Dân biểu Liên Bang, Địa hạt 47.

    “Tôi biết Dân biểu Luật sư Trần Thái Văn hơn 20 năm qua. Chúng tôi đã cùng chung sức làm việc tạo sức mạnh cho cộng đồng qua chiến dịch ghi danh bầu cử trong cộng đồng Việt Nam vào năm 1986. Luật sư Văn luôn quan tâm và tham gia vào sinh hoạt cộng đồng Việt một cách tích cực cho quyền lợi chung và tất cả cử tri trong địa hạt. Tôi tin tưởng Luật sư Văn sẽ đem lại luồng năng lực mới trong nhiệm vụ lập pháp tại Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi rất hân hạnh tín nhiệm Luật sư Văn và tin rằng ông sẽ là tiếng nói cho quyền lợi đích thực của cộng đồng Việt tại Quốc Hội Hoa Kỳ.”, Giáo sư Đinh Việt phát biểu.

    Hiện nay, Luật sư Định Việt là giáo sư thực thụ của Đại học Georgetown thuộc Phân khoa Luật tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

    Vào năm 2001-2003 Giáo sư Đinh Việt là phụ tá Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ. Ông là một trong nhiều viên chức cao cấp. tác giả bộ Luật Ái Quốc (USA Patriot Act) để chống lại nạn khủng bố trên đất Mỹ sau biến cố 9/11.

    Thời gian này, Giáo sư Việt là viên chức gốc Việt cao cấp nhất trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush.

  • 2. buồn  |  October 27, 2009 at 8:22 am

    Đọc bài viết này thấy thương những nhân tài của đất nước như anh Định, anh Thức, anh Trung, anh Long, chị Nhân, anh Đài…. giá họ ở nước ngoài như anh cu Lờ thì chắc thành đạt không thua gì. Đất nước ta không thiếu người tài, nhiệt tâm nhưng lại bị trù dập thay vì trọng dụng, chả trách gì đất nước ta chẳng bằng ai, cái vòng nô lệ Tàu chẳng còn xa mấy. Buồn…

  • 3. Dân chơi  |  October 27, 2009 at 9:22 am

    Buồn cái gì, bố mày ở trong nước có nhiều tiền, hàng đẹp, xe xịn không sướng hơn sao.

  • 4. Jim Webb có vợ VN  |  October 27, 2009 at 3:16 pm

    Hồng Lê Webb: Quân bình nghề nghiệp và gia đình
    06-09-2007

    Oanh Thơ

    Mới đây, trong số những phu nhân của các vị dân cử tại Quốc hội Hoa Kỳ, người ta chú ý đến sự xuất hiện của một phụ nữ Việt Nam. Người đó là bà Hồng Lê Webb, 39 tuổi, vợ của nghị sĩ Jim Webb thuộc tiểu bang Virginia.

    Sinh trưởng ở một làng chài lưới của thị xã Vũng Tàu, Hồng Lê là đứa con thứ sáu trong gia đình gồm bảy người con. Vào năm 1975, bà cùng cha mẹ và các anh chị em rời Việt Nam và lúc mới đến Mỹ, họ định cư tại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas. Kể từ đó, Hồng Lê Webb bắt đầu một cuộc hành trình khá nhiều thú vị và bất ngờ trong cuộc sống ở quê hương thứ hai.

    Gia đình Hồng Lê sống một thời gian ngắn ở Arkansas và sau đó được một nhà thờ Thiên chúa giáo ở North Carolina bảo trợ nên lại di chuyển đến tiểu bang này. Khí hậu lạnh lẽo của North Carolina làm mẹ của Hồng Lê không chịu nổi khiến gia đình cô quyết dọn định về New Orleans, nơi mà cha mẹ cô tìm được việc làm trong kỹ nghệ đánh cá là nghề nghiệp sinh sống rất phổ thông của người dân ở tiểu bang Louisiana.

    Mặc dù không có một nền học vấn cao nhưng cha mẹ của Hồng Lê coi trọng và khuyến khích con cái chú tâm vào việc học. Không như những gia đình Việt Nam khác thường quí con trai hơn, cha Hồng Lê đối xử với con trai và con gái như nhau và dạy họ phải luôn tự chủ trong đời sống bất cứ trong hoàn cảnh nào.

    Mới đầu khi bước chân vào Đại học, Hong Lê ghi tên học môn giáo dục tại trường Tulane University ở New Orleans nhưng rồi bà nhận ra ngay là ngành học này không phù hợp với mình. Thế nên, cô sinh viên trẻ ấy khăn gói giã từ gia đình để đi đến miền Đông Bắc và học về chương trình tìm hiểu Á Đông ( East Asian studies program). Hồng Lê kể lại là bà rất phấn khởi vì việc đi học xa, nhờ đó bà được phiêu lưu để thỏa mãn óc tò mò và hiếu kỳ của bà về thế giới bên ngòai gia đình của mình. Tuy vậy, lúc bấy giờ bà cũng không biết chắc là ra trường có thể kiếm được việc làm với bằng cấp về môn học mà mình chọn hay không nữa.

    Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Hồng Lê định ghi tên vào trường Luật vì lúc bấy giờ bà nhận ra được nhu cầu của xã hội, cần có thêm những luật sư trẻ, có thể nối liền hai nền văn hóa khác biệt Mỹ Việt. Thế nhưng, bà tạm hõan dự định này lại để xin giữ một chân tập sự, làm việc cho Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Hồng Kông vào thời gian mà làn sóng vượt biển lên cao độ. Hồng Lê làm thông dịch viên tiếng Việt cho các luật sư đang giúp đỡ người tị nạn bị giam giữ tại Hồng Không và công việc này khiến cô rất thích thú.

    Vì vẫn mang trong lòng mơ ước theo đuổi ngành luật nên khi nhận được học bổng từ Đại học nổi tiếng Cornell University ở NewYork, Hồng Lê giã từ công việc tập sự ở HongKong và trở lại Mỹ để theo đuổi dự định của mình.

    Bà tốt nghiệp đại học Luật khoa, gặp gỡ, thương yêu rồi kết hôn với một người đàn ông Việt Nam và tìm được công việc làm ở một cơ quan lo về vấn đề luật pháp ở thành phố Worcester, Massachussetts. Vào năm 1994, khi cha bà mất, Hồng Lê và chồng dọn về Washington DC để ơ gần gia đình của cả hai bên hơn. Tại đây, bà làm việc cho cơ quan Federal Deposit Insurance Corp. Một đồng nghiệp và bạn của Hồng Lê hơn 10 năm qua là ông John Blouch cho biết bà là một luật sư giỏi và khách hàng đều yêu thích bà khi được giúp đỡ.

    Khi Emily, con gái của bà ra đời, Hồng Lê chỉ làm việc bán thời gian để có thì giờ chăm sóc con hơn. Tuy cuộc hôn nhận giữa bà và cha của bé Emily kết thúc sau đó, nhưng hai người vẫn giữ sự liện hệ tốt đẹp và họ cùng nhau tận tâm chia sẻ việc nuôi dạy con.

    Vào năm 1994, Hồng Lê găp ông Jim Webb và tình bạn của họ nẩy nở. Bà cảm kích trước kiến thức của ông Webb về quốc gia cũng như dân tộc Việt Nam vì ông Jim Webb là một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam và được nhiều huy chương. Ông cũng đã thực hiện một số cuộc thăm viếng Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt và có một quá trình họat động làm Hồng Lê ngưỡng mộ. Ông Webb đã từng giữ chức phụ tá bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng hải quân. Bên cạnh đó, ông là tác gỉa của 8 cuốn sách đã xuất bản mà trong số đó có 6 cuốn sách nổi tiếng. Ông cũng là một nhà sản xuất và viết phân cảnh cho phim ảnh ở Hollywood. Với tư cách là một ký giả, ông đã được trao giải Emmy Award về loạt phóng sự viết về Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở Lebanon, và trong năm 2004, ông cũng từng có mặt tại chiến trường Afghanistan.

    Không màng sự cách biệt giữa tuổi tác khi ông Jim Webb hơn Hồng Lê đến 22 tuổi , cả hai rất tâm đầu ý hợp. Hồng Lê nói rằng ông Jim Webb không những am tường trong vấn đề giao thiệp với người Việt mà còn có một tình yêu thật sự dành cho dân tộc Việt Nam.

    Họ bắt đầu hẹn hò kể từ năm 2002 và sau khi trận bão lụt Hurricane Katrina xảy ra vào mùa hè năm 2005 làm gia đình của Hồng Lê phải di tản khỏi New Orleans, cả hai quyết định thành hôn vì nghĩ là đời sống quá ngắn ngủi và mọi sự có thể thay đổi trong chớp mắt. Đám cưới của Jim và Hồng Lê Webb diễn ra vào tháng 10 năm 2005. Trước khi lập gia đình với Hồng Lê, ông Jim Webb đã có hai đời vợ, thế nhưng đối với Hồng Lê, tình yêu và sự thông cảm giữa hai người hiện nay mới là điều quan trọng vì họ đã tìm hiểu nhau trong một thời gian dài và đã từng chia sẻ nhiều đau buồn với nhau trong quá khứ. Hồng Lê nói rằng mặc dù họ đến từ hai nền văn hóa khác biệt, Hồng Lê từ Việt Nam và ông Jim Webb từ Scotch- Irish, nhưng họ luôn tôn trọng và lấy làm thú vị vì có được cả hai nền văn hóa đó hiện diện trong gia đình.

    Quyết định ra tranh cử chức nghị sĩ của Jim Webb bắt đầu sau khi trở về từ một chuyến du hành tại Châu Á. Mặc dù trước kia, Jim Webb thuộc đảng Cộng Hòa nhưng ông đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Dân chủ trong việc ra tranh cử chức vụ nghị sĩ vì tích cực chống chiến tranh Iraq. Không ai ngờ được Jim Webb có thể đánh bại đối thủ của ông là Allen, một nghị sĩ với nguồn tài trợ dồi dào và từng là thống đốc của tiểu bang Virginia trước đây. Ông Allen cũng là một ứng cử viên nhiều hy vọng được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống vào năm 2008. Việc thắng cử của Jim Webb đã giúp đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện.

    Có mặt bên cạnh chồng trong thời gian tranh cử, Hồng Lê đã chứng kiến những căng thẳng mà ông Jim Webb phải đối phó. Bà nói: “Trong bất cứ một cuộc tranh cử nào bạn cũng có thể gặp những người bất đồng ý kiến”. Thế nên mặc dù muốn sống im lặng, Hồng Lê cũng đã phải ra mặt để hỗ trợ và bảo vệ cho chồng khi ông bị tấn công vì những thông tin sai lệch. Đời sống riêng tư của họ dĩ nhiên cũng bị phơi bày trên hệ thống truyền thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của họ. Hồng Lê phát biểu: “Một khi chồng tôi là khuôn mặt của công chúng thì đi đâu người ta cũng nhận ra ông, hay muốn lại gần để thăm hỏi và đó là thực tế mà tôi phải chấp nhận. Tôi cũng luôn chuẩn bị việc không biết lúc nào tên tuổi hay hình ảnh của mình sẽ xuất hiện trên trang nhất của báo chí”.

    Họ có với nhau một đứa con gái kháu khỉnh tên là Georgia và bé Emily năm nay thì được 9 tuổi. Mặc dù bận rộn với công việc của một chính trị gia và Jim Webb vẫn hay đem việc ở sở về nhà làm thêm, nhưng ông luôn cố sắp xếp thì giờ dành cho gia đình. Họ đã có những bữa cơm tối ấm cúng và cả hai vợ chồng cũng không quên dạy con họ nhớ đến nguồn gốc tổ tiên bên ngọai.

    Nhận xét về vợ mình, ông Jim Webb nói: “Hồng là một phụ nữ mạnh mẽ và có óc tổ chức. Cô ấy cũng được đồng nghiệp tôi khen ngợi về sự thanh lịch của cô. Hồng còn là một người hiểu biết và có khả năng chuyện môn cao nên cô thông cảm với cái thời khóa biểu bận rộn của tôi”.

    Trở thành phu nhận của một vị nghị sĩ, Hồng Lê đã có dịp gặp gỡ các vị phu nhận của các vị dân cử khác để có thể giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và bà cảm thấy tinh thần vững mạnh hơn nhờ hệ thống yểm trợ này.

    Hồng Lê dự định trở lại làm việc bán thời gian trong ngành luật vì bà là một người rất độc lập. Bà nói: “Tôi không phải chỉ là vợ của nghị sĩ Jim Webb mà tôi còn là Hồng Lê”.

    (Viết dựa theo bài của Jami Farkas )

  • 5. bố mày  |  October 27, 2009 at 10:30 pm

    Bố mày có phải là dân chơi thiệt không đấy…?

    Nhưng không sao, dân chơi cũng được, vào đây đọc riết cũng sáng ra tí. Không béo đằng này cũng béo đằng kia, phải không bố mày 🙂

  • 6. Hát tặng Cu Lờ  |  November 16, 2009 at 11:21 am

    Mất trâu mới lo làm chuồng ! Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam chịu khó sáng tác và hát bài hát này hơn 30 năm trước thì anh Philip Rosler đã là Bộ Trưởng Y Tế của Việt Nam chứ đâu bị bà bầu Angela Markel của Đức mua trọn gói để phong làm người đứng đầu ngành y tế của nước Đức.

    Những người bầu chọn anh Philip Rosler quả là không sai vì “Chỉ có những con người nghèo khổ và kém may mắn mới có thể HIỂU, THÔNG CẢM và CỨU GIÚP những hoàn cảnh đói khổ của kẻ nghèo hèn”

    Các đệ tử Đảng Viên ĐCSVN của bác Trần Mai Hạnh làm bài ca này hơi muộn nhưng còn hơn là không có gì ! Tuy nhiên nên cẩn thận vì đây có thể là quốc sách “Điệu hổ ly sơn” chúng ta chỉ nên nói giúp đỡ trẻ em nghèo thôi nhé, thanh niên thiếu nữ Việt Nam nên làm từ thiện giúp các em nhưng đặc biệt là đừng tốn phí thời giờ và công sức mà đả động gì tới Bôxít Tây Nguyên và Trường Sa – Hoàng Sa.

    Nhớ đấy nhé !

DO NOT Leave a Reply - Ý kiến của bạn sẽ không được hiển thị

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Calendar

October 2009
M T W T F S S
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Most Recent Posts